Kỹ năng thoát hiểm khi mắc kẹt trong xe phụ huynh nên dạy cho con
Vụ việc bé trai học lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong thương tâm sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón đã nhận khiến dư luận xôn xao những ngày qua. Vụ việc xảy ra cũng là bài học cho các bậc phụ huynh về việc trang bị cho con em những kiến thức, kĩ năng thoát hiểm nếu chẳng may bị mắc kẹt trên ô tô một mình. Hãy theo dõi những tổng hợp của Hồng Minh Auto về vấn đề trên nhé
Kỹ năng thoát hiểm khi bị nhốt trong ô tô nên dạy con thật kĩ
Ô tô nóng lên rất nhanh và thân nhiệt của trẻ cũng vậy. Khi bị kẹt lại trong “chiếc hộp lửa” này thì không còn nhiều thời gian để phí phạm, trẻ cần biết những phương cách để kêu cứu ngay lập tức.
Theo NHTSA (Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Mỹ), khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 25-30 độ C, thì sau 10 phút nhiệt độ trong xe đã có thể gây tử vong cho trẻ dù kính cửa sổ hạ thấp 5 cm. Không chỉ vậy, thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 – 5 lần so với người lớn, sốc nhiệt sẽ xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và nếu đạt mức gần 42 độ C có thể dẫn đến tử vong. Như vậy trong tình trạng bị mắc kẹt, nếu càng ứng biến nhanh trong 10 phút đầu tiên càng có nhiều cơ hội thoát nạn.
1. Giữ bình tĩnh
Bình tĩnh là yếu tố đầu tiên và cần thiết. Với trẻ em, khi bị mắc kẹt một mình trong ô tô sẽ có cảm giác sợ hãi, chuyện hoảng loạn là rất dễ xảy ra. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần rèn luyện và dạy cho con sự bình tĩnh trong các tình huống nguy hiểm. Bình tĩnh giúp con không gào khóc gây kiệt sức…Sau đó quan sát xung quanh để biết mình đang ở đâu, gần đó có những ai có thể ứng cứu.
2. Thử mở các cánh cửa
Hướng dẫn con kiểm tra xem các cánh cửa có đóng hoàn toàn hay không. Thử mở mọi cánh cửa mà mình với tới được. Trong trường hợp nếu không phải bị bỏ quên trên ô tô mà gặp tai nạn khiến bản thân bị mắc kẹt lại, rất có thể những cánh cửa chưa khép lại hoàn toàn, vì vậy hãy tìm kiếm đường thoát thân theo cách đó. Chú ý các phương tiện và người qua lại để cầu cứu.
Thử mở cửa sổ và thoát ra. Ngoài ra, trong tình huống đặc biệt nguy cấp, hãy đánh giá xem khe cửa có đủ lớn để trèo ra ngoài hay không. Nếu có, chú ý thoát ra nhanh và không tỳ thân người lên tấm kính để tránh bị thương.
3. Thu hút sự chú ý của mọi người và kêu cứu
Gọi điện thoại cầu cứu: Nếu trẻ có điện thoại di động, hãy đảm bảo trẻ có lưu hoặc nhớ số đường dây nóng, số điện thoại của giáo viên, bố mẹ, người thân. Mặt khác, khi nhận được điện thoại của trẻ, bạn hãy giữ giọng bình tĩnh hỏi trẻ đang ở đâu và hướng dẫn cách thoát thân; đồng thời liên hệ ngay những người gần hiện trường để ứng cứu kịp thời.
Thu hút sự chú ý : Nếu có giấy bút, con lấy giấy ghi “Cứu con với” dán lên kính xe, đập cửa từ bên trong hoặc dùng vật gì đó vẫy liên tục để thu hút sự chú ý của người qua đường.
Bấm còi xe: Có một số loại ô tô dù tắt máy nhưng bấm còi vẫn phát ra âm thanh, vì vậy bố mẹ hãy hướng dẫn con bấm còi để mọi người chú ý đến. Đa phần còi được lắp đặt giữa vô lăng. Các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ nhận ra vị trí còi xe thông qua hình ảnh, clip hoặc chỉ dẫn trực tiếp khi trẻ đi ô tô cùng với bố mẹ.
Trao đổi nhanh với người ở bên ngoài: Nếu người tiếp cận trẻ không phải là người lớn mà là một bạn học sinh khác thì sao? Đương nhiên cần tìm kiếm thêm sự trợ giúp, nhưng đầu tiên, hãy nói người đó mở thử cửa từ bên ngoài xem có được hay không.
4. Phá cửa kính ô tô
Phá cửa kính ô tô là phương pháp cuối cùng nếu như các phương pháp trên không có hiệu quả. Tuy nhiên, phụ huynh cần hướng dẫn bé thật kĩ để tránh những chấn thương khi phá cửa kính ô tô.
Không được phá kính chắn gió phía trước mà chọn các cửa hai bên. Nếu trên xe có chuẩn bị dụng cụ phá kính thì hãy sử dụng ngay. Loại thường gặp nhất là búa phá kính có dạng đầu nhỏ. Khi dùng lực đập vào cửa kính, ứng suất lớn tập trung phá vỡ liên kết sẽ làm cửa kính vỡ vụn.
Nếu không có búa phá kính, hãy thay thế bằng bất kì vật nặng/ vật kim loại mang theo bên người như hộp bút, cặp sách, ô… Biện pháp cuối cùng là dùng chân đạp mạnh vào kính để phá vỡ nó.
Sau khi kính đã vỡ, trẻ cần lưu ý bước xuống xe thật cẩn thận và không giẫm lên các mảnh thủy tinh. Tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh và báo cáo ngay nếu chẳng may bị thương.
Trên đây là những tổng hợp của Hồng Minh Auto về các kĩ năng thoát hiểm khi bị mắc kẹt trên xe. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích để sử dụng khi cần thiết.
Thông tin liên hệ
199 Nguyễn Trãi – Tp Vinh – Nghệ An / 217 Nguyễn Trãi – Tp Vinh – Nghệ An
Điện Thoại : 02386.67.67.67
Hotline : 0978 516 777
Email : ceramicprovinh@gmail.com / info@xetulainghean.com